Căn nhà là do ba mẹ bạn tạo dựng trong thời kì hôn nhân nên đó là tài sản chung của ba mẹ bạn. Khi ba bạn mất thì phát sinh quyền thừa kế của những người thừa kế. Cụ thể một phần hai căn nhà là di sản thừa kế của ba bạn, do ba bạn không để lại di chúc nên phần tài sản trên sẽ chia đều cho các đồng thừa kế gồm: mẹ bạn, ông bà nội bạn và năm anh em bạn.
Vì bạn không nói rõ thời điểm em trai út của bạn mất trước hay sau khi ba bạn mất nên sẽ có hai trường hợp xảy ra:
TH1: em bạn mất trước ba bạn: vì người thừa kế phải là người còn sống tại thời điểm mở thừa kế mà em bạn mất trước khi ba bạn mất nên sẽ phát sinh quyền thừa kế thế vị, cụ thể ba người con của em bạn sẽ được thừa kế thế vị phần tài sản mà em bạn được thừa kế từ ba bạn. Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự:
Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
TH2: Em bạn mất sau khi ba bạn mất: khi đó phần tài sản mà em bạn được hưởng từ di sản thừa kế sẽ chia đều cho các đồng thừa kế gồm em dâu bạn và ba người con theo quy định của pháp luật về chia thừa kế theo di chúc theo Điều 651 BLDS:
Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Vì vậy, yêu cầu chia di sản của em dâu bạn không phải là không có căn cứ, ngoài ra em dâu bạn còn là người giám hộ đương nhiên của ba đứa con nên em dâu bạn cũng sẽ có quyền đại diện các cháu yêu cầu chia di sản thừa kế để chăm lo cho các cháu.
------------------------------------------------------------------------------------
Văn phòng luật sư Bình Tân hội tụ được đội ngũ luật sư giỏi, luật sư bào chữa, luật sư hình sự, luật sư tham gia tố tụng trong vụ án dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, luật sư giải quyết tranh chấp đất đai, thừa kế, ly hôn nhanh, thu hồi nợ, thu hồi tiền bị lừa đảo trên các app online……..,