Trang trại nuôi heo của bà B đã và đang gây ra ô nhiễm môi trường một cách trầm trọng tại khu vực này, nên lo ngại của người dân khi biết bà B định mở rộng thêm trang trại ở nơi đây là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở thực tế. Trong trường hợp này, UBND cấp xã cần đại diện cho lợi ích của nhân dân địa phương để phát biểu quan điểm chính thức về vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra, cụ thể như sau:
- Trước hết, UBND cấp xã có văn bản báo cáo về tình trạng ô nhiễm không khí tại địa phương, phân tích rõ các ảnh hưởng nghiêm trọng của khí thải, nước thải, chất thải đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân địa phương. Đồng thời nêu quan điểm chính thức của UBND xã về chủ trương mở rộng trang trại, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn về môi trường tiến hành thanh tra, kiểm tra, đánh giá chính xác tác động môi trường khi thẩm định dự án chăn nuôi.
Cùng với báo cáo, UBND gửi kèm bản kiến nghị của nhân dân về việc bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 6 Điều 21 Luật Bảo vệ môi trường 2005: Tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân có quyền gửi yêu cầu, kiến nghị về bảo vệ môi trường đến cơ quan tổ chức việc thẩm định...; cơ quan tổ chức thẩm định có trách nhiệm xem xét yêu cầu, kiến nghị đó trước khi đưa ra kết luận, quyết định.
- Đồng thời, UBND xã cũng cần có văn bản gửi chủ dự án nêu rõ về hiện trạng môi trường của địa phương, kiến nghị của người dân và tuỳ theo tình hình thực tế có thể đưa ra ý kiến không tán thành việc mở rộng chăn nuôi của trang trại ở địa phương.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2005, chủ dự án sẽ phải đưa ý kiến này của UBND cấp xã vào nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường vì theo quy định tại khoản 8 Điều 20, thì ý kiến của UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã), đại diện cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án; các ý kiến không tán thành việc đặt dự án tại địa phương hoặc không tán thành đối với các giải pháp bảo vệ môi trường phải được nêu trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường.